DIỄN ĐÀN LỘC THÀNH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Khu nhà không có nắng

Go down

Khu nhà không có nắng Empty Khu nhà không có nắng

Bài gửi by admin Thu Dec 20, 2012 10:52 pm

Ngoài kia, mùa hè đã trượt qua một nửa. Nửa còn lại vùi sâu trong sự nhức nhối, oi nồng. Sẽ thật may mắn nếu ngày nào đó tôi thôi cắm những bông hồng vàng, rực lên thứ màu đầy mê muội. Nhưng chờ đợi mãi mà ngày ấy cứ xa dần. Tôi dự định sẽ đặt tên cô ta là Nắng – một nhân vật trong câu chuyện của tôi. Run rủi thế nào, ngay buổi chiều hôm ấy, cô gái cao lêu đêu, tóc vàng hoe xơ xác dẫn theo đứa con trai chừng bốn, năm tuổi chuyển đến trọ trong căn hộ phía bên trái nhà tôi. Lần đầu gặp nhau, cô ta nhe nhởn cười nói giọng Sài Gòn ngọt ngào, ướt át: Cưng gọi chị là Nắng thôi ha.

Bà cụ bán nước chè cùng các cô các chị trong câu lạc bộ thể dục nhịp điệu của khu phố có dịp bàn ra tán vào. Người đàn bà ấy đã qua một đời chồng. Người đàn bà ấy chuyển đến trọ mà nhiêu khê là đồ đạc, áo quần… Mẹ chồng tôi đe nẹt: Chớ có giao du với hạng người ấy. Mấy hôm nay cứ có thằng nhãi ranh mười tám đôi mươi lai vãng. Rõ đúng trai tơ với gái nạ dòng.

Đêm gối đầu tay chồng, tôi thỏ thẻ: Cái chị mới về trọ cạnh nhà mình trông cũng ngồ ngộ, dễ thương. Huy thở dài không bình phẩm. Bảo, ngủ thôi em, mai còn đi làm.

Giọng nói Sài Gòn ngọt ngào và ướt át len vào giấc ngủ của tôi. Hai mươi tuổi, tôi đã từng ước ao hình ảnh đẹp như cổ tích: người thiếu phụ và đứa con đùa nghịch bên bờ biển vào buổi bình minh. Bây giờ, người đàn bà tên Nắng vừa xa lạ, vừa bí ẩn kia đang nắm trong tay ước mơ của tôi ngày nào. Có lẽ Nắng hơn tôi vài tuổi là cùng. Nhưng gương mặt và cung cách có vẻ già dặn. Tôi nghĩ đến ngày nào đó, tôi sẽ kể cho Nắng nghe về ước mơ của mình, dẫu bây giờ chuyện ấy đã xưa đến là xưa. Sau một hồi nhìn tôi như vật thể lạ, Nắng cười rũ rượi: Chị chưa một lần đưa thằng nhóc đến biển. Nhưng thấy nực cười và hoảng hồn với cái mơ ước của cưng. Bình minh, biển cả với một người thiếu phụ, chông chênh và khủng khiếp lắm cưng à! Mà thôi, nói chi cho buồn… Mà ông xã của cưng đẹp trai dễ sợ, phải chi… Nói nửa chừng rồi Nắng trút tràng cười nhạt như nước ốc.

***

Ngày chưa lấy chồng, mỗi lúc xích mích với anh trai, tôi vẫn bị giễu là mang mệnh Hỏa. Mà mẹ xem tử vi cũng bảo vậy. Tôi tin. Có thể vì thế nên từ nhỏ tôi luôn xúng xính mấy thứ váy áo rực rỡ sắc màu. Thế mà dạo này đột nhiên tôi tăng cân. Mấy chiếc áo mỏng trước kia vẫn giúp tăng thêm phần gợi cảm thì nay lại là kẻ đầu tiên tố cáo thân thể mình qua mấy ngấn mỡ lồ lộ. Đành phải chuyển sang mặc gam màu trầm. Buổi sáng đến công sở, ánh nắng va đập vào ô cửa kính tạo ra muôn sắc màu chói lóa. Da thịt muốn nứt căng khỏi chiếc váy màu ghi u uất. Chị kế toán kêu lên: Dạo này da em xanh quá, lại sần sùi toàn mụn. Em có thai phải không?. Tôi lắc đầu, im lặng.

Chăm chú trước tấm gương gắn ở bàn trang điểm, từ tốn đếm từng nếp nhăn nơi khóe mắt. Khốn kiếp! có những nếp nhăn còn tõe làm đôi ba đường mặc sức chu du. Lẽ nào mụ phù thủy tuổi tác đã chộp lấy tôi rồi? Đúng là tai ương. Thỏi son màu đỏ nâu lăn xuống nằm cạnh mấy ngón chân trơ xương, khô khốc. Mẹ chồng tôi đứng đó. Im như tượng. Hai con mắt đục mờ rất giống đôi mắt mụ phù thủy tuổi tác mà tôi vẫn tưởng tượng ra. Sao cô ngang ngạnh thế? Suốt ngày dí mặt vào gương thì còn làm ăn được gì? Giọng khan trầm của bà đã châm ngòi cho một cuộc chiến. Mẹ! Mỗi thời một khác. Ối giời cao đất dày ơi! Ối Huy ơi, mày làm ăn cặm cụi suốt ngày để rồi không dạy được vợ mày. Trên cái cổ đầy vết đồi mồi của bà, những đường gân như dòng sông mùa cạn giờ nổi lên, giật giật. Con dâu trời đánh. Lâu nay nó im re như cái bóng, đâu ngờ… Cuộc chiến lâu nay âm ỉ thì giờ đã bùng nổ. Tôi chẳng thèm thu dọn mớ phấn son cũng chẳng nhìn mẹ chồng, lạnh lùng bước khỏi phòng.

***

Tôi vẫn mặc nguyên chiếc váy màu ghi, buồn hệt những ngày trời xám lạnh, nổi gió mùa. Nắng lẩm bẩm: Người chi đến lạ, hơi đâu mà buồn. Tôi hỏi Nắng, ngày xưa chị ở với mẹ chồng sướng khổ ra sao. Nắng cười nhạt thếch: Làm gì có mẹ chồng. Bả có thèm nhìn mặt con dâu, cháu nội đâu. Vậy còn anh ấy? Thằng cha đó hả? Cũng không rõ nữa, cờ bạc hút chích không biết bỏ xác ở xó nào. Con trai của Nắng khi ngủ rất hay nhoẻn miệng cười. Chẳng hiểu sao tôi thấy đôi mắt cô ta rất buồn trong những khoảnh khắc ấy. Rồi đột nhiên Nắng chuyển chủ đề: Anh mé bên phải nhà cưng trông ga lăng ghê. Nắng đang nói đến anh Bình. Vợ anh mất vì bệnh hiểm nghèo bỏ lại anh với hai đứa con thơ dại. Hơn mười năm, anh vẫn chăn đơn gối chiếc. Anh Bình thành đạt, đi làm có xe đưa đón nhưng đời sống ba bố con dung dị đến mức khó ngờ. Ngày ngày, anh dậy sớm, đi chợ, nấu cơm, căn dặn thằng lớn chuyện học hành, bạn bè, trường lớp, đưa con bé đi học trên chiếc xe máy rồi quay về cất xe, cuốc bộ ra mãi đầu phố đợi xe đến đón. Anh Bình là bạn tâm giao của Huy. Tối tối hay ra đầu phố uống nước hoặc ngồi trong phòng anh nhấm nháp rượu tăm với những món đồ dưa cà mắm muối họ hàng dưới quê gửi lên biếu anh. Nhưng vào những dịp lễ Tây như noel, valentine, halloween… anh thường tặng tôi rất nhiều món quà hiện đại: đĩa nhạc, rượu vang, chocolate, nước hoa… Đôi khi còn buông những lời trêu chọc. Như thể trong mắt anh, tôi là cô con gái nhỏ.

Tôi kể cho Huy nghe chuyện của mẹ chồng. Anh nói lơ mơ trong cơn ngái ngủ: Mẹ già rồi, kệ mẹ. Em cứ lo công việc, sức khỏe và nhớ đi khám định kì, xem chuyện con cái thế nào còn tính. Nửa đêm, tôi vẫn trằn trọc. Tôi lay anh dậy kể chuyện anh Bình. Anh có vẻ hơi bất ngờ, bảo: Thôi, quả này cô ả đã “đánh hơi” ra lão Bình (anh gọi bạn thân là lão) rồi. Lão Bình “Bơ” khó lòng mà thoát. Tôi phì cười trước lời bình luận của anh. Anh luôn miệng gọi Bình “Bơ” để trêu ghẹo người đàn ông góa vợ và luôn tỏ ra vô cảm trước phụ nữ.

***

Rốt cục, vẫn chỉ có mình tôi với bữa tiệc cho tuổi hai mươi bốn đầy âu lo vụn vặt. Facebook ngột ngạt lời chúc tụng, hình ảnh lung linh mừng tôi thêm tuổi mới. Và bây giờ, ở căn phòng vắng hiu những ngày cuối năm, tôi ngồi trước laptop cọc cạch từng con chữ. Bất chợt thấy nhớ mẹ vô cùng. Nhớ năm mười sáu tuổi tôi vẫn thích tắm mưa. Tôi rủ Huy tắm trên tầng thượng. Khi ấy, anh đã thành đàn ông. Còn tôi vẫn là con bé chưa chịu dậy thì. Tuổi dậy thì dường như cố ý phớt lờ tôi. Mẹ cũng không hề lo lắng cho tôi. Đơn giản vì mẹ giống tôi. Mẹ lấy chồng năm mười tám tuổi, nhưng tuổi mười tám của mẹ hoàn toàn vô ưu và vụng dại. Từ khi tôi lọt lòng cho tới khi thành thiếu nữ, cử chỉ duy nhất mẹ quan tâm đến tôi là cắt móng tay. Bố vẫn bảo, khi mới lọt lòng, tôi toàn vẹn như một thiên thần. Chỉ có những móng tay dài bất thường so với một đứa trẻ sơ sinh làm mẹ sợ. Tôi lớn rồi, mẹ vẫn cắt móng tay mỗi khi tôi thiu thiu ngủ. Tôi sợ tiếng bấm tách tách. Ngay cả tiếng bấm móng tay ấy cũng đầy sự vô ưu. Vô ưu tới mức cảm giác mẹ có thể làm tôi đau hoặc chảy máu bất cứ lúc nào. Tôi hay hỏi Huy: Liệu em có phải là con của mẹ? Anh chau mày cáu bẳn: Em sao thế nhỉ?

Vâng, mẹ của tôi đang trở về đầy sống động giữa những dòng lan man này. Chưa khi nào tôi hết băn khoăn, người đàn bà đẹp như mẹ chẳng hiểu sao lại lấy bố tôi. Tôi bị ám ảnh cực độ bởi cái chết của bà. Một người đẹp như thế, ưa chưng diện như thế mà chết giữa bộn bề váy áo, phấn son, với khuôn mặt nhợt nhạt và mái tóc bơ phờ.

***

Những ngày mưa phùn hiu hiu hơi gió bấc, tôi lại chìm ngập trong cơn cảm sốt trở đi trở lại có vẻ như đã thành mãn tính. Cả tuần tôi không bước chân ra khỏi nhà. Huy vẫn đi làm đều đặn, càng gần tết, càng bận rộn hơn. Mẹ chồng tôi sau lần va chạm chuyển sang ở với gia đình anh chị, cách nhà tôi vài con ngõ hẹp. Anh Bình ngó qua song cửa, bảo, cô nấu cho anh bát mì tôm. Anh mệt. Chỉ dăm phút sau anh đã sang nhà tôi, ngồi chọc đũa vào bát mì bốc hơi nghi ngút, tôi uống tách trà gừng, hai anh em cùng nhìn qua cửa sổ. Bên kia là dãy hành lang phía sau hun hút của một cơ quan đã cho mấy cửa hàng thuê lại để đặt đồ gốm sứ. Khu nhà đó cũng cũ kĩ hệt dãy nhà chung cư của chúng tôi. Từng mảng rêu loang lổ hoen ố trên tường hết xanh lại ngả sang vàng. Lại xanh. Lại vàng. Mọi thứ mục rữa, dần chìm vào lãng quên. Có chuyện gì mà cô em tôi buồn như… người lớn thế? Câu hỏi của anh khiến tôi bật cười. Tôi tò mò: Sao anh không chuyển bọn trẻ con ra ngôi biệt thự ngoại ô cho thoáng mát. Mắt anh dõi nhìn xa xăm. Đã bao năm rồi, anh quen với khu phố này. Quen với từng mảng màu tối sáng. Bọn trẻ con cũng thế. Khi nào đến trường, đi dã ngoại… chúng nó mới cần bụi bặm, nắng gió. Còn ở đây, quanh năm ngày tháng cứ âm u thế mà lại hay em ạ. Dường như bao kỉ niệm nồng nàn và buồn tủi chẳng bao giờ hao hụt trong không gian này. Mọi thứ như đóng băng hết. Anh sẽ đi chừng nào kỉ niệm tự thân rời bỏ anh. Bọn trẻ con rồi sẽ lớn lên tỏa đi muôn hướng. Anh ở mãi đây thôi.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn sâu vào mắt anh Bình, chợt thấy run run trước sự ưu tư và lận đận. Anh hút thuốc, phả khói ra ngoài cửa sổ, trách móc như trẻ con: Sao cô bắt thằng Huy bỏ thuốc, giờ anh biết hút với ai. Khu phố này già bắt chuyện già, trẻ theo nhóm trẻ, lỡ cỡ như anh với nó, nhìn đi nhìn lại có mỗi hai thằng.

Bỗng đâu Nắng xồng xộc chạy vào phòng tôi, môi son đỏ choét, thở không ra hơi, thều thào: Chị nhờ phòng cưng một xíu xiu nghe. Tôi biết ngay thằng nhãi con lại tìm đến, chắc lại dậm dọa, hoặc van xin, nài nỉ. Tôi cáu: Sao chị không chấm dứt đi. Để mấy bà rỗi việc ở khu phố bàn ra tán vào. Nắng trả lời tôi với cái giọng chỏng lỏn như mọi khi: Sẽ chấm dứt khi nào nó chịu cưới. Không cưới bày đặt qua lại, tới lui làm chi. Cưới? Tôi và anh Bình lẳng lặng nhìn nhau. Anh nở nụ cười xa xót. Tôi vờ nhấp nhẳng: Nó sẽ không chịu cưới chị đâu. Nghe chưa hết câu nói của tôi Nắng đã nước mắt lưng tròng, má phấn môi son lòe nhòe như mặt nạ.

***

Tôi về làm dâu nhà Huy đúng lúc gia đình tôi tan vỡ. Bố tôi bảo: Không cần thăm nhà thăm cửa, không cần ăn hỏi. Bảo bên đó cứ chọn ngày rồi sang mà đón dâu. Buồn đau quá thì bố tôi nói vậy nhưng gia đình Huy mới là bên quyết định tất cả. Mọi thủ tục qua lại, ăn ở của gia đình anh luôn được bao bọc trong cái phông nền truyền thống bền chặt và dai dẳng. Mãi không chịu đổi thay. Nhà anh coi đổi thay là một cái tội lớn. Ngày đầu tiên tôi về làm dâu, lưng tôi đau như dần, lại say xe suốt quãng đường dài, tôi vẫn phải khom lưng bưng bê, dọn dẹp, rửa từng chồng bát đĩa đầy vun như núi từ non trưa tới chập tối chưa xong. Mấy cô chị chồng, em chồng lăng xăng bám lấy đám con nhỏ vờ thay tã, mớm cơm… để dồn lại cho tôi hàng tá công việc và những cái liếc xéo đầy cay độc, thách thức. Anh uống rượu say nằm lì trong phòng. Mẹ chồng tôi xăm xắn giặt khăn lau mặt cho con trai. Mấy đứa nhỏ con cháu nhà anh loe xoe xung quanh tôi, thỉnh thoảng lại cấu véo đầu tóc tôi hoặc vô ý làm vỡ bát đĩa. Sự mệt mỏi và chán ngán bỗng chốc bủa vây tôi. Khi đó, anh Bình trầm ngâm phả khói thuốc nhìn tôi qua song cửa, anh bảo đứa con gái mười ba tuổi chạy sang xếp giúp chồng bát đĩa tôi vừa rửa sạch lên giá, con trai anh thì quát tháo bọn trẻ bên nhà chồng khi chúng đang xúm vào tôi là cấu véo.

Bố anh bảo, anh phải cưới vợ, sống chết gì cũng phải cưới vợ trước khi ông cụ qua đời. Và rồi, ông cụ sống tới khi tôi mang thai đứa con đầu lòng. Ông bảo, sống chết gì ông cũng phải nhìn thấy mặt đứa con trai của thằng út. Ông nói oang oang như ra lệnh: Anh chị đúc thế nào thì đúc, phải là một thằng cu cho tôi. Huy chở tôi đi khám thai, siêu âm, là một đứa con gái. Như tôi và anh mong đợi. Nhưng đứa con gái đã bỏ tôi mà đi. Vào đúng ngày bố chồng tôi mất, tôi nằm bất động cũng giữa đống mâm bát đầy vun.

***

Chuyện nhà chồng tôi làm Nắng cười ngất. Nắng hỏi tôi có còn tỉnh táo không. Sau một thoáng bần thần, tôi ngoảnh lại phía Nắng với cái nhìn nghiêm nghị: Ai là người tỉnh táo? Chị có tỉnh táo không? Hai người đàn bà không nhìn nhau nhưng cùng im lặng. Nắng bảo, cưng à, có khi chị chuyển đi thôi. Nắng vẫn tiếp tục lải nhải câu chuyện không đâu vào đâu trong khi tôi ngạc nhiên không tin vào tai mình. Ở khu nhà này như có ma. Mấy hôm bề phốt bị tắc, thằng nhãi thì bám ở đây, ăn dầm ở dề nên ngại gọi người đến sửa, thằng nhãi nó xui mua con cá trê thả vào sẽ hết, ai dè… Ai dè sao? Thả con cá vào rồi nó lặn mất tiêu. Bể hết tắc. Tôi cười khoái trá. Bịa đặt. Không bịa đặt thì cũng là thần hồn nát thần tính. Làm gì có chuyện đó. Mà giả sử có chuyện đó thì quá tốt chứ sao. Bể phốt hết tắc rồi. Mai em sẽ bảo Huy mua cá trê thả vào bể cá để phòng khi gặp sự cố… Không. Thái độ của Nắng trở nên gay gắt. Có con ma bể phốt thật đó cưng. Thằng cu Tít nửa đêm đưa nó đi tè nó cũng trông thấy. Nó bảo con ma bể phốt cái gì cũng ăn. To ơi là to. Mắt đỏ đòng đọc nhìn nó trô trố. Bởi thế dạo này cu Tít mới hay khóc thét lúc nửa đêm. Nó bảo có cái gì trơn nhèo nhẽo trượt qua tay con.

Rồi lại đột nhiên, Nắng rẽ ngang sang một câu chuyện khác. Kể rằng sau gã chồng ưa nghiện ngập hút chích, sau thằng nhãi con đeo bám, Nắng chỉ còn lại tình yêu với một người đàn ông bị câm, bị mù làm nghề masage. Nắng cười khúc khích: Khi nào sẽ đưa cưng đi cho biết ha. Tình yêu bắt đầu từ những ngón tay. Trái tim, lời nói, ánh mắt đều tụ lại ở mười đầu ngón tay. Hay đáo để. Cuộc tình lạ nhất thế gian. Nắng cười hinh hích.

***

Tôi đem chuyện con ma bể phốt kể cho Huy. Tôi bảo vì nó mà chị Nắng chuyển đi nơi khác. Huy nói giọng đầy ấm ức, cục súc: Em cứ quẩn quanh với những chuyện nhỏ nhặt như con sâu cái kiến, cứ chú tâm tới ả điếm già và những điều bịa đặt. Ả bỏ đi là do không chịu nổi điều tiếng dèm pha. Ở đâu còn chơi trò mèo mả gà đồng được chứ ở khu phố này bà con đâu có để yên. Ngủ! Huy lật người lại, úp mặt vào tường, tấm lưng đen trũi như đá tảng chắn ngang mặt tôi.

Anh Bình ngập ngừng hỏi tôi: Nghe nói cô Nắng sắp chuyển đi phải không em. Tôi không đáp lại. Chỉ đưa tay dụi mắt. Tự dưng gió thổi cay cay. Không nhẽ lại kể anh Bình nghe chuyện mà Huy cho là bịa đặt. Hai đứa con anh Bình mở to mắt chăm chú nghe. Anh Bình hỏi: Các con có tin không? Thằng lớn nói rất tự tin: Có thể lắm chứ ạ! Đứa em gái nhỏ đáp lí nhí: Con sẽ không bao giờ ăn cá trê!!! Anh Bình cầm ly rượu làm một hơi nhìn tôi cười độ lượng: Niềm tin của anh đặt hết vào bọn trẻ! Nó tin thì anh tin. Nói rồi anh cười ha ha vô cùng sảng khoái. Anh bảo, người thiếu phụ với đứa trẻ con trong ngôi nhà không có hơi đàn ông thì như nhau hết. Đều là trẻ con hết. Mà trẻ con thì luôn sống bằng tưởng tượng. Vậy còn anh thì sao? Cô này hỏi đến hay, anh là anh, mà Nắng là Nắng. Ai bảo cô ấy là Nắng. Anh chỉ quanh năm suốt đời mang những ham muốn, nghĩ suy giấu biến trong cái không gian chật hẹp, ẩm ướt của khu phố này. Có muốn ngồi đầu đường làm cốc nước chè cũng phải đợi về đêm. Còn cô ấy, đang dãi dầu hoặc phơi phới ở mãi tận đẩu đâu lại mò đến khu phố này. Có thể cô ta muốn trốn chạy. Như anh. Như em. Như Huy chẳng hạn. Nhưng không phải ai cũng trốn chạy được.

***

Lần cuối tôi nhìn thấy Nắng là khi Huy và cô ta đang lăn lộn giữa đống đồ đạc mà Nắng sắp gọi xe đến chuyển đi. Tôi đã không tin vào mắt mình. Cũng như đã có lần tôi ngỡ mình không thể nào tin vào chuyện con ma bể phốt. Giọng Nắng thỏ thẻ, càng lúc nghe càng ngọt ngào, ướt át. Đã bảo đừng sang nữa, tội con nhỏ. Thì sang giúp em bắt con ma bể phốt thôi mà. Từng tiếng nói của Huy lẫn vào hơi thở hổn hển: Anh… muốn… đi… cùng em, muốn… muốn có một đứa con… sinh ra ở vùng trời khác!

Lần cuối tôi nhìn thấy Huy, là khi tôi gần như ngã quỵ. Tôi chỉ còn biết gạt nước mắt và cắm cổ chạy thật nhanh khỏi khu phố này. Những con hẻm u mê, tăm tối như ma trận. Thoát khỏi con hẻm ấy lại chơ vơ giữa cơn mưa bụi nhập nhòa bủa vây đường phố.

Khi tôi trấn tĩnh và quay trở lại, cả hai căn nhà đều đã khóa trái cửa. Anh Bình đưa cho tôi chùm chìa khóa rồi lại thu về, tự tay mở cửa giúp tôi, anh nhìn tôi và chào với giọng thật buồn: Vào nhà đi em.

Nhà tôi. Cứ ngờ ngợ như không phải. Tôi chỉ òa khóc và nhận ra nhà mình sau khi đã uống khá nhiều. Kỉ niệm dắt díu nhau về nhận mặt. Anh Bình ngồi trên ghế. Lẳng lặng uống rượu. Lẳng lặng nhìn tôi. Tôi ngước nhìn đám rêu loang lổ. Nhìn mảng trời trắng xám lộ ra qua tấm rèm, cỏn con như lòng bàn tay. Dù sao đi nữa, Huy và cô ấy, có lẽ không hợp với khu phố này. Khu phố của những kỉ niệm đóng băng không lối thoát. Sự thật: Tôi đã mời Nắng vào câu chuyện của tôi. Bằng một nửa trí tưởng tượng đàn bà; một nửa trí tưởng tượng trẻ con. Tôi đã luôn nghĩ rằng, sẽ tùy ý cho cô ta sống và chết. Nhưng Huy và Nắng đã tự dắt díu nhau đi. Sự thật, Huy đã bỏ tôi đi. Vì Nắng. Có lẽ, tôi cần chuyển hai nhân vật này sang một câu chuyện khác. Một vùng trời khác. Thì hơn.

Lữ Thị Mai
admin
admin
Chủ Mèo
Chủ Mèo

Tổng số bài gửi : 308
Points : 745
Reputation : 0
Join date : 07/12/2012
Age : 37
Đến từ : Lâm Đồng

https://diendanlocthanh.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết